1-Tin Ảnh chính, 3-Tin tiêu điểm Ảnh, Kỹ thuật chăn nuôi
Kỹ thuật chống nóng hiệu quả cho vật nuôi
(Người Chăn Nuôi) – Nắng nóng kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi. Để bảo vệ gia súc, gia cầm, tránh thiệt hại về kinh tế, người nuôi cần tăng cường cập nhật tình hình dự báo thời tiết khí hậu, đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi.
Chuồng trại
Cần đảm bảo có độ thông thoáng và đối lưu không khí tốt (đối với các chuồng hở, thông thoáng tự nhiên). Với chuồng trại cũ, thấp cần tiến hành cơi nới để tăng chiều cao, tạo thêm các ô thông gió chuồng nuôi trước mùa nắng nóng. Những hộ chăn nuôi có điều kiện tổ chức chăn nuôi bằng hệ thống chuồng kín sẽ đảm bảo được tiểu khí hậu chuồng nuôi, nhất là nhiệt độ cho từng loại vật nuôi ở các giai đoạn sinh trưởng phát triển khác nhau.
Kiểm tra lại các hệ thống cấp nước cho khu chăn nuôi như: bể chứa, đường ống dẫn, van uống tự động đảm đảm bảo vận hành tốt nhất; che chắn thêm bồn chứa nước nhất là bồn inox trên cao, bị chiếu nắng cả ngày tránh làm nước uống quá nóng dẫn đến vật nuôi không uống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng tiêu hóa thức ăn của chúng.
Đối với nuôi gia súc, chuồng trại cần được làm mát bằng hệ thống giàn mát để hạ nhiệt, tưới mát, thông gió. Xung quanh chuồng trồng cây xanh tạo bóng mát. Chuồng nuôi nên có phên che chống nắng xung quanh, hàng ngày phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt.
Trường hợp chuồng trại nuôi gia cầm, thiết kế để nhiệt độ chuồng nuôi có thể giảm được 5 – 70C so với nhiệt độ bên ngoài. Có phên che chống nắng xung quanh, những ngày nhiệt độ cao có thể phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt. Gà nuôi trên nền đệm lót sinh học bà con cần làm đệm lót mỏng hơn so với ngày thường, nhằm hạn chế sức nóng từ mặt đệm.
Mật độ nuôi
Gia cầm: Nuôi nhốt với mật độ vừa phải như: Gà úm: 50 – 60 con/m2, gà 0,5 – 1 kg nhốt 20 – 30 con/m2, gà 2 – 3 kg nhốt 7 – 10 con/m2. Nếu nóng quá có thể thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh, cho ăn cám chất lượng tốt.
Heo: Mật độ nuôi nhốt đối với nái 3 – 4 m2/con, heo thịt là 2 m2/con.
Đối với trâu, bò, dê: Mật độ nuôi nhốt đối với trâu bò thịt: 5 – 6 m2/con, dê 1,8 – 2 m2/con.
Thức ăn
Cho đàn vật nuôi ăn khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng giai đoạn, hướng sản xuất khác nhau. Cung cấp đủ nước uống sạch và mát, bổ sung Gluco K – C, chất điện giải… để giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng.
Cho đàn vật nuôi ăn khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng giai đoạn. Ảnh: ST
Đối với trâu, bò, dê: Cho ăn đủ no từ 30 – 35 kg thức ăn thô xanh, 0,5 – 1 kg thức ăn tinh, 20 – 30 g muối ăn để đảm bảo sức khỏe cho con vật.
Chế độ chăm sóc
Đối với gia cầm, hàng ngày cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia cầm, nhất là đàn gà đẻ, gà con nuôi úm để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp bất thường xảy ra. Nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng và cung cấp nước sạch, mát đủ cho gà uống tự do.
Trong chăn nuôi heo, hàng ngày cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn heo, nhất là đàn heo con, heo nái mang thai để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp bất thường xảy ra. Tắm cho heo thịt 1 – 2 lần/ngày, đối với heo nái nuôi con và heo nái mang thai cần tắm chải nhẹ nhàng cho heo mẹ, tránh tác động cơ học mạnh cũng như làm ẩm ướt chuồng úm, chỗ nằm của đàn heo con.
Đối với trâu, bò, heo mùa nắng nóng nên tắm chải cho gia súc 2 – 3 lần/ngày để làm giảm nhiệt cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da. Thời gian chăn thả gia súc: Buổi sáng từ 6 – 9 giờ, buổi chiều chăn thả muộn từ 16 – 18 giờ. Những ngày nắng nóng, thời điểm nhiệt độ thường cao nhất là từ 12 giờ đến 16 giờ trong ngày, không chăn thả và cho trâu, bò nghỉ làm việc, nhốt tại chuồng hoặc tại các khu vực có bóng mát, cây xanh.
Vận chuyển
Khi vận chuyển gia súc, gia cầm trong những ngày nắng nóng nên thực hiện vào buổi sáng sớm và chiều mát. Nếu vận chuyển đường dài chú ý cho gia súc, gia cầm nghỉ ngơi hợp lý, vào các thời điểm buổi trưa nên để gia súc, gia cầm vào nơi mát, nhiều cây cối để chăm sóc bổ sung thức ăn, nước uống cũng như kiểm tra sức khỏe con vật trong quá trình vận chuyển.
Nên giãn mật độ nhốt gia súc, gia cầm trên phương tiện vận chuyển, đồng thời che chắn làm mát cho gia súc gia cầm ngay trên phương tiện vận chuyển như để cành cây nhiều lá trên xe, có đệm lót tốt, có bạt che ánh nắng mặt trời xung quanh phương tiện…
Khi vận chuyển về đến chuồng nuôi cần giảm nhiệt cho con vật thích nghi từ từ, không để con vật thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột. Với trâu bò, heo đưa vào nơi mát cho nghỉ ngơi không được dùng nước tắm ngay để tránh cho trâu bò, heo bị cảm do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Phòng bệnh
Làm tốt công tác vệ sinh thú y, tăng cường vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ sinh ra từ phân và chất thải. Vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống, đặc biệt không để thức ăn dư thừa trong máng dễ gây ôi thiu. Đảm bảo nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi và các sinh vật gây bệnh khác.
Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt… là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè (dùng các loại thuốc sát trùng thông dụng như Virkon, Hanamid, HanIod, Hantox, Formalin…). Khép kín quy trình phòng bệnh bằng các loại vaccine cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thường xuyên kiểm tra và phát hiện sớm vật nuôi ốm, bị bệnh để cách ly, báo thú y đến điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời; đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm.
Nguyễn Hằng